Mô tả Acanthurus coeruleus

Cá ấu trùng của A. coeruleus đang phát ánh sáng màu xanh lục

Chiều dài cơ thể tối đa được ghi nhận ở A. coeruleus là 39 cm[3]. Loài cá này có một mảnh xương nhọn màu vàng tươi hoặc trắng nhạt chĩa ra ở mỗi bên cuống đuôi tạo thành ngạnh sắc, là đặc điểm của họ Cá đuôi gai[7].

Cơ thể của A. coeruleus hình bầu dục thuôn dài. Sự phát triển của chúng có thể chia thành nhiều giai đoạn: cá bột, cá con đang lớn (màu vàng), cá gần trưởng thành (màu xám tím) và cá trưởng thành hoàn toàn (màu xanh lam thẫm).

Cá trưởng thành có màu xanh lam thẫm hoặc màu xanh lam tím với những đường sọc mảnh gợn sóng dọc theo hai bên thân và trên vây. Cá con có màu vàng tươi, có thể có viền màu xanh óng ở trên và dưới con ngươi; các vây có viền màu xanh lam sáng (trừ vây ngực). Giai đoạn trung gian (cá con đang lớn), A. coeruleus có màu xám tím; vây lưng và vây hậu môn màu xanh lam với các dải sọc màu nâu cam. Vào ban đêm, A. coeruleus có thể hiện các dải sọc dọc màu trắng trên cơ thể[7][8].

Cá ấu trùng của A. coeruleus được ghi nhận là có khả năng phát huỳnh quang sinh học với ánh sáng màu xanh lục[9]. Hiện tượng phát huỳnh quang sinh học có thể hiểu là sự hấp thụ ánh sáng bởi một sinh vật, sau đó chúng sẽ phát lại ánh sáng đó thành một màu khác. Trái lại, hiện tượng phát quang sinh học là quá trình tạo ra ánh sáng bằng các phản ứng hóa học bên trong cơ thể một sinh vật, khác với hiện tượng phát huỳnh quang sinh học, chỉ là sự hấp thụ và phát lại ánh sáng.

Số gai ở vây lưng: 9 ; Số tia vây ở vây lưng: 23 - 26; Số gai ở vây hậu môn: 3; Số tia vây ở vây hậu môn: 21 - 23[10].